Xuất Khẩu Ngành Dây, Cáp Điện Âu Lo Vì Thuế!

Kim ngạch xuất khẩu của hàng dây và cáp điện Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm qua. Nhưng thuế suất cao đang là trở ngại chính của ngành công nghiệp non trẻ này.

Phải dừng kế hoạch xuất khẩu

Hiện nay, cả nước có khoảng 60 DN chuyên sản xuất dây và cáp điện. Với lực lượng như vậy, từ chỗ lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nước ngoài, các DN sản xuất dây và cáp điện VN đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu trong nước. Nhiều DN đã xuất sản phẩm ra nước ngoài.

Theo các DN, thế mạnh của dây và cáp điện VN trên thị trường thế giới là chất lượng. Nhờ vậy mà có đến khoảng 90% lượng hàng được xuất sang Nhật – thị trường được xem là rất khó tính.

Ông Võ Tấn Thịnh, Giám đốc Công ty Thịnh Phát, cho biết sau khi trúng một số thầu cung cấp cáp điện cho nước ngoài, Thịnh Phát quyết định xuất sản phẩm của mình sang các nước Đông Nam Á. Để thực hiện kế hoạch này, năm rồi Thịnh Phát đã tốn khá nhiều thời gian và tiền của để sang một số nước Đông Nam Á chào hàng.

Mọi việc đều thuận lợi. Nhưng hiện nay, Thịnh Phát phải xem lại kế hoạch xuất khẩu, nhiều khả năng phải dừng lại chương trình “đem chuông đi đánh xứ người” này. Nguyên nhân do vừa rồi Nhà nước đã quyết định nâng thuế suất nhập khẩu đối với dây thép tráng kẽm từ 0% lên 5%, làm tăng giá thành. Đây là nguyên liệu để sản xuất cáp điện chịu lực mà trong nước chưa sản xuất được.

Một DN sản xuất dây và cáp điện khác giải thích, thuế suất này là gánh nặng đối với DN. Gánh nặng này càng nặng hơn khi giá loại nguyên liệu này đã tăng vài chục phần trăm trong một năm qua, làm cho số thuế phải nộp của DN tăng cao.

Hoàn thuế chậm, làm tăng chi phí sản xuất

Không chỉ dây thép tráng kẽm, theo các DN, ngành dây và cáp điện còn chịu nhiều bất hợp lý khác về thuế. Trước đây thuế GTGT đối với mặt hàng này là 5%, hiện nay là 10%. Các loại nguyên liệu khác mà trong nước chưa sản xuất được cũng phải chịu mức thuế cao.

Thí dụ, véc-ni cách điện phải chịu thuế nhập khẩu đến 15%. Hay các loại nhựa cách điện không mua được trong nước cũng phải chịu thuế nhập khẩu. Cũng là nguyên liệu nhựa cách điện nhưng có mặt hàng chịu thuế, có mặt hàng lại hưởng thuế suất 0%. Thí dụ, XLPE phải chịu thuế nhập khẩu 20%, trong khi EPR lại hưởng mức thuế 0%.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Tân Cường Thành, cho biết việc hoàn thuế GTGT chậm đã trở thành gánh nặng cho DN. Thông thường thời gian hoàn thuế phải mất vài ba tháng. Đối với Tân Cường Thành vài ba tháng là tương đương với doanh số cả trăm tỉ đồng.

Như vậy, số thuế mà ngành thuế tạm giữ của DN tương đương cả chục tỉ đồng (thuế suất 10%). Cả chục tỉ đồng trong vài tháng là số tiền lãi không nhỏ mà DN phải trả. Vì hầu hết vốn lưu động của DN hiện nay là phải vay.

Bên cạnh đó, quy trình mở thầu, công bố trúng thầu, thực hiện thầu ở nước ta hiện nay kéo quá dài. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu cho ngành dây và cáp điện biến động từng tháng.

Theo Người lao động

Xem thêm về Thabi Group

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Untitled Document